Nghệ sĩ Hoài Linh được giữ tiền ủng hộ bão lụt của đồng bào miền Trung trong bao lâu?

  •   Thứ tư, 26/05/2021, 14:55 PM

Theo quy định của pháp luật, thời gian phân phối tiền, hàng cứu trợ được thực hiện ngay trong quá trình vận động đóng góp và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày, kể từ ngày kết thúc thời gian vận động đóng góp.

Câu chuyện nghệ sĩ Hoài Linh "om" tiền cứu trợ bão lụt trong tài khoản của mình khoảng 6 tháng mà không thực hiện việc chuyển tiền cho đồng bào miền Trung đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Phần lớn những ý kiến đều cho rằng, nghệ sĩ Hoài Linh đã không làm tròn trách nhiệm, phụ lòng tin của các nhà hảo tâm.

Nhiều ý kiến khác thì cho rằng, dịch bệnh diễn ra nhưng không phức tạp đến mức không thể chuyển số tiền cho người dân đang gặp khó khăn một thời gian dài như vậy. Nếu số tiền đó được chuyển đến đúng địa chỉ, đúng thời điểm thì đã khắc phục được rất nhiều khó khăn đối với đồng bào. 

Trước phản ứng của dư luận, Hoài Linh giải thích cho sự chậm trễ trong việc trao gửi số tiền khoảng 14 tỷ đồng đến người dân miền Trung là do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, lời giải thích của Hoài Linh đã không được dư luận chấp nhận.

Hoai Linh noi gi ve so tien 14 ti dong ho tro nguoi dan bao lut

Trước lùm xùm về chậm ủng hộ tiền bão lụt, nghệ sĩ Hoài Linh cho rằng mình không biển thủ 14 tỷ tiền quyên góp từ thiện.

Nhìn nhận vụ việc nêu trên, luật sư Vũ Đức Long (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trong trường hợp này nghệ sĩ Hoài Linh chỉ là người đại diện theo ủy quyền của người có tài sản, có trách nhiệm chuyển giao tài sản của bên cho sang cho bên nhận tài sản theo thỏa thuận, cam kết trước đó. Do vậy, việc quyên góp, ủng hộ sẽ theo nội dung thỏa thuận của hai bên, nếu không có thỏa thuận thì khi nhận được tiền, nghệ sĩ Hoài Linh phải chuyển đi luôn.

Bởi lẽ, căn cứ khoản 3 (Điều 7, Nghị định 64/2008) ngày 14/5/2008 của Chính phủ về "thời gian vận động đóng góp, tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ" quy định: "Thời gian phân phối tiền, hàng cứu trợ được thực hiện ngay trong quá trình vận động đóng góp và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày, kể từ ngày kết thúc thời gian vận động đóng góp được quy định tại khoản 2 điều này".

Bên cạnh đó, tại Điều 21 (Nghị định 64/2008) quy định về việc khen thường và xử lý vi phạm nêu: Nếu các tổ chức, cá nhân huy động, quản lý và phân phối sử dụng tiền, hàng cứu trợ trái với quy định tại Nghị định này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

"Trong những trường hợp ủy quyền thực hiện hoạt động từ thiện như thế này nếu như phát hiện có việc gian dối để chiếm đoạt số tiền từ thiện từ 4 triệu đồng trở lên hoặc sử dụng số tiền từ thiện sai mục đích dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản thì người nhận ủy quyền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 175 (Bộ luật Hình sự 2015). Cá nhân tôi nghĩ rằng, dù vụ việc có diễn ra theo hướng nào chăng nữa thì việc chậm trễ trong việc thực hiện nghĩa vụ dân sự từ thiện khi đồng bào đang gặp khó khăn, hoạn nạn trong tình huống này cũng là chuyện rất đáng tiếc", luật sư Long chia sẻ.

icon

Tổng hợp